Ready Player One (2018) | Đấu Trường Ảo thuộc thể loại phiêu lưu hành động, khoa học viễn tưởng. Bộ phim lấy bối cảnh năm 2045, trải qua nhiều biến cố lớn cùng việc bùng nổ dân số, thế giới thực trở nên vô cùng giới hạn và cằn cỗi khắc nghiệt. Vậy là thay vì sống trong thế giới thực, con người dành nhiều thời gian hơn trong một thế giới ảo - The Oasis, tại đây, mọi người có thể trở thành bất cứ nhân vật nào mình thích, tham gia mọi trò chơi, kiếm tiền thật và đầu tư nâng cấp trải nghiệm. Ban đầu The Oasis là một vùng đất tự do cho con người mọi thứ họ muốn, mang cho họ niềm vui mà họ không thể có. Tuy nhiên, sau khi chủ tịch sáng lập The Oasis qua đời, các tập đoàn kinh tế muốn thâu tóm thế giới ảo này làm… nơi đặt quảng cáo. Vị chủ tịch cũ đã lập một di chúc, dành toàn bộ số cổ phiếu và quyền điều hành cho người có thể giải được 3 câu đố của ông. Nhân vật chính Wade (một “game thủ chân chính”) cùng nhóm bạn của mình quyết chạy đua trong trò chơi giải đố để cứu tương lai của The Oasis thoát khỏi lòng tham của những kẻ phá hoại.
Quốc Gia: - Năm Sản Xuất: 2018. Thể Loại: -
Đề Xuất
Có liên quan về nội dung hoặc tương đồng về thể loại mà bạn sẽ thích.
Ready Player One có thể là một bộ phim kén người xem. Không có nhiều các bộ phim khai thác chủ đề game giành được đông đảo sự quan tâm (có thể nhắc đến một cái tên khá nổi tiếng khác như Free Guy chẳng hạn - tôi nghĩ bạn còn chưa nghe tên nó). Dòng phim này có phần hơi khó hiểu, một phần xa lạ văn hóa đại chúng, và tất nhiên, rất ảo… Những rào cản đó ngăn số đông người xem có thể hiểu và bước qua hàng rào ngăn cách để đồng điệu với thông điệp mà nó truyền tải. Nhưng tất nhiên, nó giành được sự yêu mến từ cộng đồng game thủ (và đặc biệt là các hardcore gamers).
Nội Dung Phim
Năm 2045, sau rất nhiều biến cố lớn, thế giới trở nên cằn cỗi và khắc nghiệt, dường như là không có đủ niềm vui cho tất cả mọi người. Tất cả mọi người đâm ra… nghiện game. Một trò chơi thực tế ảo tên The Oasis cho phép mọi người có thể tự tạo hình nhân vật mình yêu thích, vượt mọi giới hạn của tưởng tượng để làm mọi việc mình muốn, tham gia mọi trò chơi cùng nhau, kiếm tiền thật và đầu tư nâng cấp trải nghiệm. Như vậy, cả thế giới cùng chơi trò chơi thực tế ảo này và thậm chí còn kiếm sống từ đây. Người sáng lập The Oasis - Halliday là một tay… nerd chính hiệu. Mặc dù là một thiên tài, cuộc sống đời thật của ông hoàn toàn thất bại: không bạn bè, không vợ con, lớn lên từ nhỏ trong cô đơn và đến già vẫn cảm thấy cách trở với thế giới.
Bù lại cho tất cả các “ưu điểm” trên, người sáng lập này rất có tâm. Ông kiên quyết giữ tiêu chí “Gamer make game for gamers” (“Người chơi làm game cho người chơi”). Ông cũng được tôn vinh như một vị thần vì đã phát triển The Oasis. Khi về già, nhận thấy The Oasis có thể bị thâu tóm bởi những tập đoàn làm kinh tế để làm nơi đặt… quảng cáo và hút máu game thủ, Halliday đã lập di chúc toàn bộ cổ phiếu và quyền điều hành The Oasis cho người có thể giải được 3 câu đố của ông.
Kẻ phản diện trong phim - Sorento, học trò cũ của Halliday, cầm chịch một đội quân “cày thuê” hàng ngàn nhân viên, quyết lục tung game để tìm ra lời giải đố đã nhiều năm không thành công… Cho đến khi Wade - một “game thủ chân chính” cùng nhóm bạn bè của cậu xuất hiện và bắt đầu có những manh mối đầu tiên. Sorento tìm mọi cách mua chuộc Wade nhưng không thành công. Hắn trở nên điên cuồng và không từ thủ đoạn để cướp lại những manh mối và ngăn chặn những người bạn cả trong game lẫn ngoài đời thực.
Một Số Ý Nghĩa
Trong The Oasis, tất cả mọi người, già hay trẻ, bất kỳ màu da, giới tính, đều chơi cùng nhau cực hòa đồng và vui vẻ. Đây là một trong những điều rất thú vị mà bối cảnh của bộ phim mang lại (vì cả thế giới đều chơi game =)). Nó khác với những tiêu cực người ta thường nghe về trò chơi điện tử, hay nói thực tế hơn, những phản ánh tiêu cực đó vốn đến từ những người hoàn toàn không hiểu về thế giới của game thủ. Có thể bạn chưa biết, khoảng những năm 2000, nếu bước vào 1 quán game, bạn có thể kết bạn với bất kỳ ai và vào game chung cùng cả quán. Không biết chơi sẽ có người dạy nhiệt tình, và bất kể bạn chơi giỏi hay kém, bạn sẽ được chia vào đội phù hợp sao cho “cân kèo”. Không phải tất cả các game thủ đều gầy còm, nghiện ngập, tệ nạn, nếu bạn theo dõi các giải thể thao điện tử châu Âu/châu Mỹ, nhiều người trong số họ thậm chí còn là vận động viên thể hình. Nhiều gosu gamer là kỹ sư, giảng viên, những người thành đạt… Và thế giới game thủ rất bình đẳng, nếu bạn bước vào quán net một ngày đẹp trời hồi đấy, có thể bạn sẽ game cùng “Chim Sẻ Đi Nắng” chẳng hạn. Nhưng định kiến chung về thế giới trò chơi điện tử vẫn bị gán ghép với những tệ nạn, và hình ảnh cả thế giới chơi game trong The Oasis châm biếm vấn đề đó theo một cách dí dỏm: “thật đáng tiếc, không phải ai cũng có thể hiểu”.
Một góc nhìn thú vị khác mà Ready Player One mang lại, được thể hiện trong xung đột chính của phim: khi những người làm kinh tế, vốn hoàn toàn không hiểu về thế giới game, cố gắng để can thiệp vào trò chơi. Nó phản ánh thực tại khi các nền tảng giải trí ngày càng chạy theo kinh tế, hút máu người dùng và mang lại ít giá trị hơn.
Nhưng chi tiết quan trọng nhất sau cùng, đó là khi Wade và Samantha sở hữu The Oasis cùng những người bạn, họ quyết định giảm lợi nhuận của trò chơi, mang lại nhiều giá trị cho mọi người hơn và trên hết là… tắt game 2 ngày/tuần, để mọi người cần phải quay về tận hưởng cuộc sống thực, “vì ở đó mới là thật nhất”.