Titanic là một huyền thoại điện ảnh kinh điển mà đã nối tiếp vài thế hệ, hầu như không ai không biết đến nó, từ cảnh quay đôi tình nhân trẻ đứng trên boong tàu đầy lãng mạn cho đến bản nhạc phim bất hủ My Heart Will Go On (vẫn đang không ngừng được cover). Từ sau thảm kịch đắm tàu năm 1912, Titanic đã luôn là một bí ẩn khiến giới nghiên cứu hàng hải hứng thú khám phá và chinh phục. Người ta còn gọi nó là “Trái Tim Đại Dương” (“the Heart of the Ocean”) - hàm ý việc khám phá được nó có ý nghĩa chinh phục biển cả - thực ra “Trái Tim Đại Dương” là tên một viên kim cương nổi tiếng đã chìm cùng với Titanic. Năm 1996 (tức 84 năm sau sự kiện), một đoàn nghiên cứu đã tiếp cận được với xác tàu Titanic và trục vớt được rất nhiều tài sản có giá trị. Tuy nhiên, chiếc két sắt đáng lẽ chứa “Trái Tim Đại Dương” khi mở ra lại chỉ có bức tranh vẽ một cô gái trẻ xinh đẹp. Người trong bức tranh được xác định là Rose, một trong những người sống sót sau vụ đắm tàu. Bà lão Rose, lúc này đã 101 tuổi, ngay lập tức được mời đến cùng tham gia với nhóm nghiên cứu để tái hiện lại sự kiện năm xưa. Bộ phim thực sự xoay quanh ký ức của Rose tưởng nhớ về một chuyện tình bất tử, đã mãi ngủ yên trong lòng đại dương…
Titanic là một bộ phim tình cảm lãng mạn, việc nó trở thành một huyền thoại điện ảnh là bởi những yếu tố nghệ thuật xuất sắc, hoàn toàn không có bí ẩn nào cả, nội dung phim dễ hiểu, và các chi tiết trong sự kiện Titanic đều đã được làm rõ từ rất lâu về trước.
Tóm tắt ngắn nhất: hai người gặp nhau, yêu nhau, tàu chìm, hết phim.
Còn về chi tiết thì…
Titanic là con tàu chở hành khách lớn nhất lịch sử loài người tại thời điểm 1912, là một trong những dấu ấn thành công của tiến bộ hàng hải. Hành trình đầu tiên (và cũng là cuối cùng của nó) là đi từ Anh sang Mỹ qua Đại Tây Dương (vùng biển lớn nhất giữa châu Âu và châu Mỹ). Vào thời điểm bấy giờ, nước Mỹ là một vùng đất hứa, nhiều gia đình quý tộc châu Âu nhân sự kiện này lên tàu sang Mỹ nhằm tìm kiếm những cơ hội mới. Gia đình Rose cũng vậy. Tại thời điểm này (trong ký ức Rose), cô là một cô gái trẻ 17 tuổi trong một gia đình quý tộc phải chịu nhiều gò ép cứng nhắc của gia đình, bị hứa gả cho một người đàn ông giàu có 30 tuổi mà cô không yêu để cứu vãn tình cảnh kinh tế khó khăn của gia đình.
Cuộc sống bí bách không tự do khiến Rose có ý định tự tử: giữa đêm tối, cô định nhảy xuống biển, và đây là lúc Jack xuất hiện để kéo cô quay trở lại cuộc sống. Jack là một anh chàng họa sĩ nghèo khó, cũng như những người khác, muốn sang Mỹ để tìm kiếm cuộc đời mới. Anh ta thậm chí còn không đủ tiền mua vé tàu, nhờ đánh bài thắng được một vé khoang hạng ba. Cô tiểu thư đài các nhanh chóng sa lưới tình cùng chàng họa sĩ đẹp trai lãng tử, lần đầu tiên trong cuộc đời, cô dám yêu, dám cùng người mình yêu vượt qua định kiến, vượt qua những khuôn khổ gò bó của gia đình, và bắt đầu cảm nhận được sự tự do phá cách mà trước đây cô chưa từng có.
Do những tính toán sai lầm, Titanic đâm phải một tảng băng, đó là một tai nạn. Nhưng những sai trái không-phải-tai-nạn ngay sau đó được phô bày: bởi sự tắc trách và chủ quan của những nhà đầu tư, trên tàu có rất ít thuyền cứu hộ - gần như chỉ đủ cho một-phần-ba số hành khách. Chi tiết nghệ thuật và nhân văn lớn nhất là giữa sự hoảng sợ và hỗn loạn, những người đàn ông đều chấp nhận ở lại, nhường chỗ cho trẻ em, phụ nữ và người già… thậm chí thuyền trưởng cố gắng giúp đỡ mọi người sơ tán lên thuyền cứu hộ đến tận phút cuối và chìm cùng tàu của mình. Chỉ một số ít những kẻ giàu có và quyền lực giành thuyền và bỏ chạy trước.
Rose và Jack bám được trên một tấm ván gỗ và trôi nổi trên biển, Jack nhường cho cô nằm trên ván, còn mình thì bơi bám theo. Nhiều giờ sau, những con thuyền cứu hộ mới dám quay lại tìm kiếm người sống sót, họ cứu được Rose, còn Jack không vượt qua được cái lạnh của vùng biển băng, mãi mãi ở lại.
Rose sau này một mình đi khắp ...thế gian, vẫn mang theo chiếc dây chuyền đính viên kim cương “Trái Tim Đại Dương”, sống trong cô đơn đến 101 tuổi, mãi nhớ về mối tình đầu bất tử. Cuối đời, bà lão Rose có một cơ hội quay lại vùng biển mà Titanic chìm và thả sợi dây chuyền xuống biển.
Huyền thoại nghệ thuật
Thật khó có thể viết và phân tích hết về những chi tiết nghệ thuật/nhân văn trong phim, nó quá nhiều và quá xuất sắc. Tôi đã xem bộ phim này trên 20 lần, và mỗi lần xem lại tôi đều lặng mình vì những cảm xúc chân thực, hay nhận ra thêm những tình tiết mà trước đây tôi chưa hiểu. Nếu bạn chưa xem, hãy nên tự cảm nhận, tôi không đủ khả năng để phân tích nó cho đầy đủ.
Fun-fact
Ngoài tính nghệ thuật, một trong những yếu tố khiến bộ phim được nhắc đến rất nhiều, tất nhiên là bởi những tranh cãi. Và vấn đề được tranh cãi nhiều nhất là xoay quanh cái chết của Jack.
Các fan của bộ phim không ngừng chất vấn đoàn làm phim “vì sao Jack chết?”, “rõ ràng tấm ván đó đủ cho cả hai người cùng… ngồi đánh phỏm, sao anh ta lại phải bơi?”… Và với những phân tích vô cùng của những các chuyên gia online trên khắp các diễn đàn, sau cùng đạo diễn James Cameron đành phải đưa ra câu trả lời: “anh ta phải chết, vì đó là …điểm nhấn nghệ thuật!” (thực ra lần đầu ông trả lời “vì kịch bản bảo thế” =)).
Nhưng sau câu trả lời đó, tôi cho rằng đó là cái kết hoàn toàn hợp lý. Sự ra đi của Jack để lại trong lòng người xem một sự tiếc nuối, một nỗi buồn man mác… Nó cũng khiến câu chuyện tình này trở thành bất tử.
Bạn có từng tự hỏi chuyện gì sẽ xảy ra nếu… Jack không chết chưa? Thứ nhất, người xem đều được thỏa mãn vì cái kết viên mãn, người ta sẽ sớm quên nó. Thứ hai, khi Jack trở về cùng Rose, chưa chắc sau này hai người đã hạnh phúc hoặc kết hôn (đừng quên rằng trong sự kiện Titanic, họ quen nhau chưa đủ 1 tuần, và Rose lúc này mới chỉ 17 tuổi). Chắc chắn là chỉ cần 2 lý do trên, Titanic sẽ không còn là huyền thoại điện ảnh lãng mạn, mà có lẽ sẽ là một …phóng sự trục vớt tàu đắm.