Squid Game là bộ phim kể về một trò chơi sinh tồn được tổ chức bởi một tổ chức chức bí mật, tại một địa điểm bí mật, gồm 456 người tham gia. Có thể nói họ là những kẻ thua cuộc trong cuộc sống hiện thực. Họ phải tham gia 6 vòng chơi để kiếm ra người chiến thắng với mức phần thưởng khổng lồ 45.6 tỷ won. Những kẻ thua cuộc phải trả giá bằng chính mạng sống của mình.
Squid Game thuộc thể loại phim trinh thám, kinh dị, cân não, giải đố, có yếu tố sinh tồn. Motiv này không quá mới mẻ, thậm chí nếu bạn là fan của thể loại, bạn cũng sẽ thấy rằng Squid Game có rất nhiều điểm tương đồng với Escape Room (Căn Phòng Tử Thần) bản 2019. Tuy nhiên, Squid Game có rất nhiều yếu tố mới mẻ thú vị, nhiều tình tiết được thêm thắt khéo léo đẩy cao sự ngột ngạt, căng thẳng trong các màn đấu trí, cũng như mang đậm nét văn hóa châu Á hơn.
Tạo nút thắt, mở nút thắt... rồi lại tạo thêm nút thắt
Một nhóm người nghèo khổ, bần cùng, nợ nần, nghiện ngập, trộm cướp đang trong giai đoạn bế tắc nhất bỗng nhận được một lời mời tham gia trò chơi với phần thưởng khổng lồ 456 tỷ won. Họ hồ hởi tham gia, cho đến khi kinh hoàng hiểu rằng cái giá phải trả khi thua game là mạng sống.
Điểm thú vị của Squid Game, khác với những bộ phim kinh dị khác, những người tham gia trò chơi vốn không phải ‘nạn nhân’ của nó. Squid Game đưa ra một lời mời, và sự tham gia của những người chơi là tự nguyện. Thậm chí, trong quá trình chơi, họ có thể bỏ phiếu để dừng chơi. Trong phần này, việc bỏ phiếu đã diễn ra 1 lần sau màn chơi đầu tiên. Khi tất cả người chơi đều vô cùng phẫn nộ vì có quá nhiều thương vong, họ bỏ phiếu ngừng chơi và quay về nhà.
Tưởng như nghỉ chơi, hết phim ngay tập đầu tiên. Câu chuyện lại trở nên hết sức bất ngờ khi những người chơi quay về chẳng bao lâu thì lại đòi quay lại chơi tiếp. Lý do là những người này đều túng quẫn lắm rồi. Đối với họ, nghĩ về một cái chết nhạt toẹt trên đường phố, sân chơi tử thần kia hóa ra thật sự... cho họ một hy vọng.
Câu chuyện nhốt cua
Có một câu chuyện rất thú vị, nếu bỏ 1 con cua vào giỏ, con cua sẽ dễ dàng bò ra ngoài. Nhưng nếu bỏ 1 đàn cua vào giỏ, sẽ không có con nào thoát ra được vì bất cứ con nào cố gắng leo ra sẽ bị những con khác nắm chân lôi xuống.
Trong Squid Game cũng vậy. Trò chơi vốn không khó. Thực tế, mỗi màn chơi của Squid Game đều có cách phối hợp để có nhiều người có thể sống sót hơn (trừ màn bắn bi và trò chơi cuối cùng - trò chơi con mực). Tuy nhiên, những đố kỵ, sợ hãi, toan tính và âm mưu của mỗi cá nhân mới thật sự là yếu tố khiến cuộc chơi trở nên sát phạt, trở thành một cuộc thảm sát thật sự.
Ví dụ điển hình đầu tiên là trong trò chơi tách kẹo, có rất nhiều người đã biết trước manh mối của trò chơi, nhưng họ không tiết lộ. Họ muốn loại bỏ nhiều đối thủ cạnh tranh hơn. Trong màn chơi kéo co, chưa có manh mối tiết lộ chuyện gì sẽ xảy ra nếu 2 đội bất phân thắng bại, nhưng các đội chơi hoàn toàn có lựa chọn cùng kéo đứt dây. Ở trò chơi bước đi trên kính, người thợ kính vì trước đó chứng kiến những người chơi khác giết nhau, đã quá sợ hãi, không dám tiết lộ sớm những tấm kính có thể bước qua... Và thậm chí, không chờ những màn chơi, họ đã tự tàn sát nhau trước rồi.
Dù hoàn toàn chung một motiv, đây chính là điểm đặc biệt tạo nên sự thành công của Squid Game so với Escape Room - trong Escape Room, tất cả người chơi đều cùng nhau phối hợp để giải đố, điều này có phần bị xem là ‘không đúng thực tế’ cho lắm. Chính những âm mưu, toan tính và đố kỵ đã tạo ra chiều sâu hoàn toàn khác của trò chơi con mực.
Hiệu ứng kẻ sống sót
Cũng giống như trong Escape Room, người thắng cuộc của Squid Game bị sang chấn tâm lý dạng ‘hiệu ứng kẻ sống sót’. Dù nhận được số tiền khổng lồ 456 tỷ won, người này hoàn toàn không quan tâm, không động tới số tiền, và mãi mãi ám ảnh với những ký ức kinh hoàng trên sân chơi tử thần cũng như sự phẫn nộ trước những kẻ giàu có, quyền lực đứng sau tổ chức sân chơi để thỏa mãn thú vui bệnh hoạn.
Seong Gi Hun (người chiến thắng) - bị ám ảnh đến nỗi, anh ta quyết tâm quay trở lại cuộc chơi một lần nữa để phá hoại trò chơi này, hứa hẹn chấm dứt Squid Game, một lần và mãi mãi trong phần 2...